Chương trình đào tạo liên kết quốc tế có thực sự tốt?

04:50 27/01/2018

Ngày nay, rất nhiều cơ sở có các chương trình đào tạo trong nước tung ra các “gói chương trình” liên kết với các trường nước ngoài, và nhận được sự quan tâm lớn từ -phía sinh viên, học viên. Liệu cái “mác quốc tế” này có thực sự tốt như nhiều người vẫn tưởng?

Một số chương trình liên kết về chương trình thạc sĩ, cao học giữa trường đại học trong nước và quốc tế nằm trong “top” đầu có thể kể đến là: Thạc sĩ Quản trị kinh doanh EMBA của Maastricht School of Management, Hà Lan và ĐH Bách khoa TP.HCM; Thạc sĩ Quản trị kinh doanh CFVG của ĐH Kinh tế TP.HCM liên kết với Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp; Thạc sĩ Quản trị kinh doanh của Học viện Thương mại Belgium, Bỉ hợp tác cùng Trung tâm Đào tạo quốc tế trực thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM; Thạc sĩ Ngôn ngữ ứng dụng của ĐH La Trobe, Úc và ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM; chương trình bồi dưỡng và đào tạo cán bộ quản lý kinh tế của ĐH Kinh tế TP.HCM và trường Quản lý công J.F. Kennedy thuộc ĐH Harvard (Mỹ)…

Hiện nay, hàng loạt các chương trình tuyển sinh liên kết quốc tế ra đời. Tùy theo từng trường mà cơ sở liên kết có thể ở các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore hay Nhật, Mỹ, Úc…Do “ồ ạt”, tràn lan nên rất nhiều cơ sở chỉ mượn “cái mác ngoại” để tuyển sinh chứ không thực sự hiệu quả. Sở dĩ các chương trình đào tạo theo kiểu “nửa tây nửa ta” đang nở rộ như nấm sau mưa và khá hấp dẫn học sinh cũng như các bậc phụ huynh là do tâm lý “bằng ngoại hơn hẳn bằng nội” và học phí của các chương trình này đem lại nguồn lợi không nhỏ cho các bên liên kết. Với các dạng “liên kết” này, thiệt thòi lớn nhất cho người học là tấm bằng tốt nghiệp hoặc chứng chỉ không có giá trị.

Một thành viên sáng lập Công ty tư vấn giáo dục EQuest tại TP.HCM cho biết: “Những sinh viên tốt nghiệp từ các ĐH nhỏ, không có tên tuổi hoặc uy tín đều bị đánh giá rất thấp do đào tạo không đạt chất lượng. Thực tế, ngay tại EQuest, chúng tôi đã tuyển rất nhiều sinh viên tốt nghiệp chương trình liên kết đào tạo ở nước ngoài nhưng chỉ mới kiểm tra trình độ tiếng Anh của họ là đã thấy chưa ổn chứ khoan nói đến chuyện thành thạo”.

Chị Hà – một phụ huynh học sinh có con theo học chương trình đào tạo liên kết quốc tế cho biết: “Theo mẫu quảng cáo của trung tâm ST thì Cao đẳng Houston (Mỹ) mở chương trình đào tạo ngành quản trị kinh doanh tại Việt Nam, sau ba năm học tại Việt Nam, sinh viên sẽ được tiếp tục sang Mỹ học và lấy bằng do Cao đẳng Houston cấp. Điều kiện tuyển đầu vào chỉ cần tốt nghiệp THPT và tiếng Anh không phải là yếu tố bắt buộc”.

Chính vì “tiếng Anh không bắt buộc” đã khiến con tôi rơi vào tình trạng học dở dang”. Không chỉ có ST, thực tế, rất nhiều trường quảng cáo chương trình liên kết đào tạo rất “dễ vào” nhưng thực chất, các trường này chỉ là nơi trung gian, tuyển đầu vào và dạy ngoại ngữ qua loa cho sinh viên cho đúng thủ tục, sau đó lý giải: “Học sinh theo học được hay không là do khả năng ngoại ngữ của từng em”.

Để tránh tình trạng sinh viên “rơi” vào những chương trình liên kết đào tạo không chất lượng, ông Vũ Ngọc Hùng (Vụ phó Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Giáo dục & Đào tạo) lưu ý: “Các bậc phụ huynh và sinh viên nên chọn những trường đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép, vì chương trình liên kết đào tạo của các trường này đều đã được thẩm định, được các nước sở tại cấp giấy chứng nhận.

Bài viết cùng chuyên mục: